Lào Cai đẩy mạnh cải cách hành chính hướng tới phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp
Năm 2024, công tác cải cách hành chính (CCHC) được tỉnh Lào Cai quan tâm, quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện, trọng tâm và cải cách thủ tục hành chính (TTHC), chuyển đổi số, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức trong thực thi nhiệm vụ công vụ, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình tổng thể CCHC trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đúng lộ trình cải cách của Chính phủ, tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch triển khai công tác CCHC tỉnh Lào Cai năm 2024, trong đó xác định các nhiệm vụ cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.
Tỉnh ủy đã thành lập Ban chỉ đạo CCHC, Chính quyền số và thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điên tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030 (Trên cơ sở hợp nhất 03 Ban Chỉ đạo: CCHC, Chuyển đổi số, Đề án 06) do đồng chí Chủ tịch UBND làm Trưởng Ban chỉ đạo.
Lào Cai đẩy mạnh cải cách TTHC, hướng đến mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp
Năm 2024, tỉnh Lào Cai đã thực hiện cắt giảm thời gian giải quyết TTHC với 977 TTHC thực hiện cắt giảm tối thiểu 30% thời gian giải quyết so với quy định của Trung ương, TTHC được cắt giảm chủ yếu là các TTHC có tần suất thực hiện giao dịch nhiều, qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian và giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Có khoảng 40.000 lượt hồ sơ được thực hiện cắt giảm thời gian, tiết kiệm cho người dân, doanh nghiệp hơn 40 tỉ đồng.
100% TTHC nội bộ thuộc phạm vi quản lý của địa phương được công bố với hơn 500 TTHC nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước. 100% TTHC công bố được cập nhật, niêm yết công khai theo quy định, 100% quy trình nội bộ giải quyết TTHC được cập nhật trên Cổng dịch vụ công của tỉnh. Tỉnh Lào Cai đã xây dựng Kho quản lý dữ liệu điện tử trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh và kết nối trên Cổng dịch vụ công quốc gia để đáp ứng yêu cầu tái sử dụng dữ liệu trong giải quyết TTHC.
Toàn tỉnh đã tiếp nhận hồ sơ giải quyết TTHC và trả kết quả tại Bộ phận Một cửa của 3 cấp là 365.599 hồ sơ, trong đó cấp tỉnh 191.647 hồ sơ (đúng hạn 99,3%, quá hạn 0,7%), cấp huyện 20.684 hồ sơ (đúng hạn 99,4%, quá hạn 0,6%, cấp xã 153.268 hồ sơ (đúng hạn 99,4%, quá hạn 0,6%). Các cơ quan, đơn vị có hồ sơ giải quyết quá hạn đều thực hiện việc thông báo, xin lỗi và hẹn lại ngày trả kết quả theo quy định.
Một số mô hình triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được duy trì, nhân rộng trong thời gian tới như Mô hình thí điểm 35 dịch vụ công trực tuyến không tiếp nhận hồ sơ giấy; Mô hình khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VNeID; Mô hình cửa khẩu số; Mô hình xác thực online tập trung qua nền tảng công nghệ xác thực thẻ CCCD gắn chip điện tử; Mô hình khám chữa bệnh sử dụng sinh trắc học, kiosk tự phục vụ; Mô hình thí điểm không dung tiền mặt tại các điểm trông giữ xe,…
Trung tâm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại Cửa khẩu đường bộ Kim Thành.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình CCHC đảm bảo đúng lộ trình của Chính phủ; cụ thể hóa các nội dung Đề án số 14-ĐA/TU của Tỉnh ủy Lào Cai; duy trì, cải thiện và nâng cao Chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI năm 2025 và các năm tiếp theo, tỉnh Lào Cai yêu cầu các Sở, ban, ngành, địa phương cần tiếp tục nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm cao nhất của người đứng đầu trong việc trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời trong thực hiện CCHC. Các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC, thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện, xã chỉ đạo triển khai một cách mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ công tác CCHC.
Đối với cải cách thể chế, các cấp, các ngành cần phải thường xuyên thực hiện kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật nhằm kịp thời phát hiện những văn bản không còn phù hợp để kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc thay thế, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh.
Đối với nhiệm vụ cải cách TTHC: Tiếp tục đẩy mạnh rà soát, đơn giản hoá TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 20/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Về cải cách tổ chức bộ máy, cải cách chế độ công vụ, cần tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18-NQ/TW trong đó thực hiện chủ trương cắt giảm biên chế công chức 5%; giảm biên chế viên chức 10% đến năm 2026 đảm bảo mục tiêu, chỉ tiêu khối cơ quan nhà nước theo quy định.
Về cải cách tài chính công, cần tập trung các biện pháp tăng thu, giảm chi thường xuyên; cơ cấu lại, tăng chi cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh phân cấp lĩnh vực tài chính - ngân sách, tiết kiệm và hiệu quả trong quản lý thu, chi.
Về chuyển đổi số, các sở, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả chương trình chuyển đổi số; tăng cường quản lý, sử dụng hoá đơn điện tử; đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06./.