image banner  BAN CHỈ ĐẠO CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TỈNH LÀO CAI
Lào Cai đặt mục tiêu chuyển đổi số toàn diện, thực chất
Lượt xem: 30
Xác định quan điểm chuyển đổi số là giải pháp đột phá, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp và người dân nhằm thúc đấy phát triến kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu phát triển của tỉnh. Lào Cai đã và đang tích cực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số đồng bộ trên cả ba trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, đã đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

Ngày 22/4/2022, Chính phủ ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg, lấy ngày 10/10 hằng năm là ngày Chuyển đổi số quốc gia. Đây là dấu mốc khẳng định vai trò quan trọng của chuyển đổi số, đưa nhiệm vụ phát triển kinh tế số, xã hội ở mức ưu tiên cao trong các chiến lược phát triển quốc gia.

Ngày Chuyển đổi số hướng đến mục tiêu đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 của của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số. Thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.

anh tin bai

Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Lào Cai đi vào hoạt động năm 2020.

Tại Lào Cai, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, khai thác hiệu quả thành tựu công nghệ thông tin vào phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2020, nhận thấy công tác đảm bảo an toàn thông tin chưa được các cơ quan quan tâm đúng mực, một số cơ quan, tổ chức, cá nhân còn chủ quan, sơ hở trong công tác quản lý thông tin nội bộ và thông tin bí mật nhà nước, dẫn đến nguy cơ mất an toàn thông tin, tỉnh Lào Cai ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND về tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

anh tin bai

Diễn tập thực chiến về an toàn thông tin năm 2023.

Năm 2021, tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số tỉnh Lào Cai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ban hành Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND quy định chính sách thu hút, đãi ngộ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021 – 2025. Đồng thời thành lập Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng trên cơ sở kiện toàn lại Tổ ứng cứu sự cố máy tính của tỉnh với sự tham gia của 50 thành viên.

Đến năm 2022, hòa nhập với xu thế toàn quốc chuyển đổi số, Thường trực Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 17/01/2022 về chuyển đổi số tỉnh Lào Cai đến năm 2025 và định hướng đến 2030 nhằm thúc đẩy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Nghị quyết xác định rất rõ “Nhận thức” đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số; người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số.

Để chuyển đổi số thì công tác xây dựng hạ tầng số, nền tảng số luôn được chú trọng đầu tư. Hạ tầng viễn thông trên địa bàn toàn tỉnh đã được cải thiện đáng kể với 99% các trung tâm thôn, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn được phủ sóng di động 3G, 4G; khoảng 85,6% thôn, tổ dân phố có hạ tầng cáp quang phục vụ truy cập internet; hỗ trợ 341 cơ sở giáo dục, y tế sử dụng dịch vụ internet băng thông rộng cố định; hỗ trợ 23.541 hộ nghèo trên toàn tỉnh sử dụng dịch vụ thông tin di động mặt đất.

Đến nay, mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh (ICT Index) ở mức khá so với các tỉnh/thành phố trên toàn quốc; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt cao. Hoàn thành tích hợp, kết nối kho dữ liệu giấy tờ cá nhân dịch vụ công của tỉnh với Cổng dịch vụ công Quốc gia; số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; 100% đơn vị cấp huyện và UBND cấp xã triển khai cung cấp dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính. Triển khai hệ thống phần mềm báo cáo dùng chung của tỉnh cho 8 đơn vị với 17 loại báo cáo. Hình thành một số nền tảng, cơ sở dữ liệu chuyên ngành hệ thống thông tin báo cáo, góp phần hình thành chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số. Hệ thống dịch vụ công của tỉnh đã tích hợp 1.655/1.655 dịch vụ công lên Cổng dịch vụ công Quốc gia (đạt 100%), là 1 trong 17 tỉnh, thành phố đứng đầu về tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến từ 50% trở lên.

 

anh tin bai

Tuyên truyền, hướng dẫn chuyển đổi số cho Tổ công nghệ số cộng đồng tại xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa.

Hoàn thành toàn diện và vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ Chính phủ giao theo Đề án 06 của Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, đứng trong nhóm các tỉnh xuất sắc trong cả nước, đặc biệt là kết quả về đăng ký, kích hoạt và sử dụng tài khoản định danh điện tử VneID.

Với ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch, Lào Cai đã sở hữu 3 sản phẩm du lịch thông minh gồm: Cổng du lịch thông minh, ứng dụng du lịch trên thiết bị thông minh và phần mềm quản lý lưu trú trực tuyến. 3 sản phẩm này đã phần nào khẳng định sự tích cực của Lào Cai trong chuyển đổi số đối với lĩnh vực du lịch và xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh.

Chưa dừng lại ở đó, một trong những nỗ lực đột phá của Lào Cai là việc đưa vào vận hành cửa khẩu số, góp phần quan trọng trong việc cải thiện năng lực thông quan hàng hóa thông qua cửa khẩu. Bãi tập kết hàng hóa KB2 tại khu vực cửa khẩu Kim Thành được đi vào hoạt động và mang lại hiệu quả đáng kể. Thời gian để một phương tiện làm thủ tục thông quan cũng được rút ngắn xuống dưới 2 phút trên một phương tiện, giảm 3 lần so với trước. Hệ thống cửa khẩu số cũng góp phần bảo đảm tính công khai minh bạch giải quyết thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp, cải thiện năng lực thông quan hàng hóa.

Hiện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã và đang hưởng ứng mạnh mẽ chương trình chuyển đổi số của địa phương. 100% sản phẩm OCOP của Lào Cai được đưa lên sàn thương mại điện tử; 100% doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình có sản phẩm OCOP được tạo gian hàng số và có tài khoản thanh toán điện tử; 100% doanh nghiệp xuất nhập khẩu, dịch vụ hỗ trợ xuất nhập khẩu đã ứng dụng chữ kí số, hóa đơn điện tử và thực hiện khai báo thủ tục xuất, nhập khẩu trên môi trường số;... Đó là những kết quả thể hiện sự rõ nét chuyển đổi số đã tác động sâu sắc, tích cực, mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.

Mục tiêu đến năm 2025, Lào Cai nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố ở mức khá về chỉ số xếp hạng chuyển đổi số. Phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu chính về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của tỉnh chiếm khoảng 15 – 20%. Trên 50% doanh nghiệp vừa vả nhỏ sử dụng nền tảng số, 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử, tham gia thương mại điện tử… Đến năm 2030 phấn đấu 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; kết nối, liên thông chia sẻ dữ liệu thông suốt, đồng bộ trong 100% cơ quan trong hệ thống chính trị. Trên 80 % người dân có kĩ năng số cơ bản. Tiếp tục phát triển đô thị thông minh đồng bộ, góp phần thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững…

Để thực hiện hiệu quả, bền vững chuyển đổi số, cần triển khai thực hiện tốt các giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng, đồng thời, chuyển đổi nhận thức của người dân về thực hiện chuyển đổi số, thực hiện tốt chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp ưu tiên sử dụng các dịch vụ, tiện ích chính quyền số.

Quỳnh Hoa - STTTT
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin mới
image
Đăng nhập