Cải cách hành chính (CCHC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là chìa khóa quan trọng để “mở cửa” thu hút đầu tư của tỉnh Lào Cai.
Thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã coi công tác CCHC là một trong những ưu tiên hàng đầu, là khâu đột phá trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội. Từ quyết tâm đi đầu trong CCHC với đột phá là cải cách thủ tục hành chính của tỉnh, các cấp, ngành, địa phương đã nỗ lực tạo môi trường, hành lang thông thoáng trong thu hút đầu tư, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh hiệu quả, góp phần đưa kinh tế – xã hội của tỉnh ngày càng phát triển.
Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Với quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư , kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, các sở, ban, ngành, địa phương tại tỉnh Lào Cai đã vào cuộc triển khai thực hiện tốt công tác CCHC và đạt được những kết quả tích cực.
Để xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn với CCHC và xây dựng chính quyền điện tử. Hệ thống dịch vụ hành chính công của tỉnh được kết nối với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành và kết nối vào hệ thống nền tảng kết nối chia sẻ quốc gia (NGSP). Ứng dụng chữ ký số được thực hiện tại 100% sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh.
Lào Cai cũng đã ban hành Chương trình chuyển đổi số tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Lào Cai với 5 lĩnh vực chuyển đổi chính là: Phát triển nền tảng cho chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, phát triển xã hội số, chuyển đổi số một số lĩnh vực trọng điểm, phân bổ đến từng ngành, từng lĩnh vực triển khai cụ thể. Dịch vụ công trực tuyến được tỉnh quan tâm đẩy mạnh thực hiện. Ban hành Kế hoạch hành động hàng năm, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh gắn với cải thiện chỉ số PCI, chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI).
Lào Cai cũng đẩy mạnh thực hiện bộ chỉ số DDCI. Thông qua kết quả xếp hạng, các đơn vị, địa phương sẽ có những đánh giá, điều chỉnh thích hợp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Mục tiêu cuối cùng của DDCI là mang lại lợi ích cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thông thoáng, minh bạch hơn cho các doanh nghiệp, tăng niềm tin vào hệ thống chính quyền và tăng động lực phát triển kinh tế cho Lào Cai.
Cải thiện mạnh mẽ chỉ số cơ sở hạ tầng (gồm khu công nghiệp, cụm công nghiệp, giao thông đường bộ, điện, viễn thông và các hạ tầng khác), trong đó tập trung đầu tư tăng tốc hạ tầng Khu công nghiệp Bản Qua và Cụm công nghiệp Thống Nhất, Bát Xát, Trà Trẩu; xây dựng cầu đường bộ bắc qua sông Hồng tại xã Bản Vược, cầu Phú Thịnh, cầu Làng Múc, đường Kim Thành - Ngòi Phát và đầu tư xây dựng các khu đô thị mới của thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa, huyện Bắc Hà... sẵn sàng thu hút đầu tư, phấn đấu chỉ số Cơ sở hạ tầng tỉnh Lào Cai năm 2023 và năm 2024 trong top 30 cả nước.
Điển hình trong việc cải cách thủ tục thành lập doanh nghiệp, đầu tư, tỉnh đưa vào vận hành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Lào Cai, toàn bộ các thủ tục của các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh được công khai và đăng ký trực tuyến mức độ 3, 4, đăng ký cắt giảm thời gian xử lý, qua đó rút ngắn thời gian làm thủ tục cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Phát huy hiệu quả của chính quyền điện tử, hiện toàn tỉnh đã có 1.277 thủ tục đang cung cấp trực tuyến toàn trình trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh. Tích hợp 1.655/1.655 thủ tục hành chính lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Là một trong 23 địa phương đầu tiên hoàn thành chỉ tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Tiếp tục duy trì hệ thống hỗ trợ xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp. Đến nay đã có 235 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ 7 gia đình, cá nhân tham hệ thống hỗ trợ xúc tiến thương mại với 433 sản phẩm được đưa lên phần mềm hỗ trợ xúc tiến thương mại; trong đó có197/205 (đạt tỷ lệ 96%) sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc hữu của tỉnh lên các sàn thương mại điện tử. Qua đó đã hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp, nông dân trong tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sức cạnh tranh và lợi thế sản phẩm nông nghiệp của tỉnh cũng như quảng bá, thu hút đầu tư phát triển kinh tế của tỉnh.
Các tổ chức, cá nhân có hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành thực hiện khai báo trên hệ thống https://cuakhauso.laocai.gov.vn để được giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu.
Một trong những nỗ lực đột phá của Lào Cai là việc đưa vào vận hành cửa khẩu số, góp phần quan trọng trong việc cải thiện năng lực thông quan hàng hóa thông qua cửa khẩu. Cửa khẩu số đã giải quyết và đáp ứng năng lực thông quan qua cửa khẩu Kim Thành cho lượng phương tiện xuất nhập khẩu trung bình trên 400 phương tiện/ngày. Thời gian để một phương tiện làm thủ tục thông quan cũng được rút ngắn xuống dưới 2 phút trên một phương tiện, giảm 3 lần so với trước. Hệ thống cửa khẩu số góp phần bảo đảm tính công khai minh bạch giải quyết thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp, cải thiện năng lực thông quan hàng hóa.
App zalo mini Lào Cai số với nhiều tính năng được đưa vào hoạt động từ tháng 10/2023. Sau 1 năm đưa vào sử dụng đã có 52.081 người dùng, với 37.937 người dùng mới với 55.894 lượt truy cập. Người dân, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ, tra cứu hồ sơ và đánh giá trực tiếp qua mini app, đồng thời theo dõi kết quả phản ánh sau khi gửi.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các hội nghị, chương trình gặp gỡ doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm giải đáp kiến nghị, phản ánh và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI.
Tỉnh Lào Cai cũng đã tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, đạo đức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm bảo đảm có đủ phẩm chất, năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ theo tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp.
Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, Lào Cai đang tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện, nhất là về đơn giản hoá thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt là tiếp tục triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương trên toàn tỉnh nhằm tạo sự vào cuộc chủ động, thực chất và cạnh tranh trong triển khai công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh...